Tại cuộc họp ban chấp hành Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), ông Nguyễn Đức Thụ, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch Vụ Trường Lộc, Ủy viên Ban chấp hành VPA cho biết tình hình thương mại hiện tại trầm lắng trước sự bùng phát của đại dịch. Giá tiêu chạm đáy ở mức 35.500 đồng/kg là sự khủng hoảng đối với ngành Hồ tiêu Việt Nam trong thời gian qua. Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng đối với thị trường Hồ tiêu Việt Nam. Sự tăng giá đột biến từ 40.000 đồng/kg lên 60.000 đồng/kg không phải là không có cơ sở khi các thương lái Trung Quốc mua lúc giá giảm và chốt lời lúc giá tăng ngay tại thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Thụ cho rằng giá tiêu chạm mốc 60.000 đồng/kg là điều ngoài dự tính. Sự ảnh hưởng của COVID-19 đã làm nhu cầu thế giới giảm trong khi lượng tồn kho không còn nhiều, do đó giá sẽ tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, trước sức ép giá của châu Âu và Mỹ nên giá không thể lên ngay.
Hiện tại, nông dân ở các vùng trồng tiêu đang rơi vào cảnh bế tắc, không còn khả năng đầu tư. Do đó, mùa vụ 2021 sản lượng giảm. Ông Đinh Xuân Thu Giám đôc Công ty TNHH Trang Trại Xanh Thu Thủy, Ủy viên Ban chấp hành VPA cho rằng trong vòng 3 năm tới thị trường sẽ có nhiều biến động. Với vị trí hàng đầu trong ngành hồ tiêu thế giới, sự biến động sản lượng tại Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung toàn cầu.
Diễn biến thực tế trong giai đoạn tháng 4 vừa qua, hoạt động mua bán giống tại vùng trồng trở nên nhộn nhịp nhưng hiện tại cung cấp giống gần như khan. Các vườn tiêu từ 1 đến 3 năm tuổi vẫn còn nhiều tại Đắk Lắk.
“Như vậy, khả năng năm sau đường cong giá có thể chạm mức 70.000 đồng/kg rồi lại đi xuống. Trong vòng 3 năm tới, giá tiêu có thể dạo động ở mức 80.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân có thể có lãi nếu đầu tư với chi phí hợp lí”, ông Thu nhận định.
Về ngắn hạn, theo Cục Xuất nhập khẩu dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm giảm sức mua của thị trường, đặc biệt là thị trường châu Âu và Mỹ. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của bão lụt tại Trung Quốc khiến sức mua mặt hàng này giảm. Xu hướng giảm giá được dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới.
Theo Bộ NN&PTNT sự mất cân bằng cung-cầu vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm giá tiêu trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2020, giá hạt tiêu biến động theo hai chu kỳ, giảm trong quý I nhưng tăng trong quý II do nhu cầu thu mua hạt tiêu của các doanh nghiệp tăng mạnh, trong khi người dân hạn chế bán ra.
Bộ NN&PTNT dự báo trong thời gian tới, giá hạt tiêu khó có khả năng tăng mạnh bởi nhu cầu tiêu thụ tiêu vẫn còn yếu do đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới và đang có nguy cơ bùng phát mạnh trở lại tại nhiều thị trường tiêu thụ tiêu lớn như Mỹ và EU.
– Nguồn: Vietnambiz –