Bạn đã thực sự hiểu về gạo ăn hàng ngày của gia đình mình? Bạn đang ăn gạo chế biến công nghiệp hay thủ công? Hãy cùng tìm hiểu quá trình đưa gạo đến tay người tiêu dùng. Chúng tôi đưa ra một số loại gạo đặc sản cho các bạn lựa chọn. Đôi nét về gạo Séng Cù của vùng đất Tây Bắc đang rất được ưa chuộng hiện nay.
1. Quy trình chế biến công nghiệp
(Hình ảnh nhà máy xay xát thóc gạo, nguồn Internet)
Hầu hết với cuộc sống tất bật mọi người vẫn chọn mua gạo tại các đại lý, cửa hàng. Hoặc để an tâm thường sẽ tìm mua gạo trong các siêu thị. Các loại gạo bạn thấy ở đây đã qua quy trình chế biến công nghiệp bao gồm: làm sạch, tách trấu, xát trắng, tách hạt, tách màu, lau bóng, bảo quản và đưa vào sử dụng.
Quá trình này có ưu điểm là năng suất cao, gạo đẹp, ít gãy nát; và gạo bảo quản được rất lâu. Nhưng việc xát trắng và đánh bóng gạo quá kỹ sẽ gây ra việc mất đi một số chất dinh dưỡng và khoáng chất. Nếu chúng ta không quan tâm đến vấn đề này thì gạo này vẫn là lựa chọn tốt và vô cùng tiện dụng.
2. Quy trình chế biến thủ công – gạo tươi.
2.1. Khái niệm gạo tươi.
Nhiều người sẽ không biết quy trình chế biến gạo tại các vùng nông thôn. Thông thường gạo sẽ không được xát sẵn; mà tới khi có người tới mua gạo mới được xát. Ngày xưa nông dân ta sử dụng chày và cối để chế biến ra gạo. Nhưng ngày nay tất cả quy trình đều được thay bằng máy móc là các máy xay, máy xát.
Gần đây chúng ta nghe tới khái niệm gạo tươi. Gạo tươi cũng tức là gạo được chuyển đến người tiêu dùng ngay sau khi xát. Các nhà khởi nghiệp, các đại lý đã mang quá trình bụi bặm tại nông thôn biến thành quy trình không bụi bặm, gọn gàng hơn lên thành thị.
2.2. Vì sao nên sử dụng gạo tươi.
Vấn đề của các tiệm gạo tươi trên thành thị là việc vận chuyển và bảo quản thóc. Vì quá trình chế biến, vận chuyển, bảo quản thóc khá khó khăn với quy mô bán lẻ; nên thường gạo tươi có giá khá cao. Mức chênh lệch bỏ ra cho một nhà 4 người vào khoảng 200-300k/ tháng; mức này không quá cao cho sản phẩm chất lượng ăn hàng ngày này.
Dù ở nông thôn hay thành thị thì gạo cũng chỉ được xát tương đối (gạo xát dối) hoặc không xát (gạo lứt); và không qua quá trình đánh bóng. Gạo này còn lớp vỏ cám bên ngoài và có giá trị dinh dưỡng cao hơn gạo công nghiệp. Tuy nhiên, thời gian bảo quản ngắn, thường 1/2 tháng, rất dễ bị mọt, nên cần được sử dụng ngay.
Quy trình chế biến gạo này thường hướng đến nhu cầu ăn uống sạch của dân cư đô thị là chính vì thực phẩm sạch tìm kiếm được ở thành phố là rất hạn chế. Đối tượng gạo được sử dung để sản xuất thường là các loại gạo đặc sản có giá trị cao như gạo Séng Cù Tây bắc, gạo Tám Điện Biên…
3. Gạo đặc sản Séng cù và đôi nét về cách chế biến gạo đặc sản tại Tây Bắc.
Tùy vào đặc điểm địa lý, khí hậu, đất đai mà mỗi vùng lại có một hay nhiều loại gạo đặc sản khác nhau. Việt Nam thật sự là môt đất nước có tài nguyên trù phú, thích hợp phát triển ngành lúa gạo. Hàng năm nước ta sản xuất ra khoảng 22 triệu tấn gạo, xuất khẩu hơn 6 triệu tấn gạo (năm 2020 6.15 triệu tấn) ra thế giới. Việt Nam đang trên đà trở lại vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới.
3.1. Gạo Séng Cù.
Séng Cù nổi tiếng là Séng Cù Mường Lò Yên Bái, Mường Khương-Bát Xát ( 2 địa điểm đã được chỉ dẫn địa lý cho gạo Séng Cù), Séng Cù Điện Biên, và gạo Séng Cù Lai Châu cũng rất thơm ngon. Đặc điểm gạo Séng Cù thon dài, hạt chắc, đều, ít bị gãy vỡ. Mùi thơm vị ngọt đậm và bùi, độ dẻo cao nhưng không dính, ăn không ngấy; đặc biệt giá trị dinh dưỡng rất cao.
Gạo Séng Cù được trồng ở Lào Cai từ năm 1998; thuộc nhóm lúa thuần thơm của Trung Quốc, có tên gọi là Sừ Ly Séng. Đến nay giống lúa này đã trở thành đặc sản của tỉnh Lào Cai và cả Tây Bắc. Điều kiện đất đai và khí hậu đặc trưng ở đây rất phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của giống lúa này. Ở đây có độ cao 500-1400 m, nhiệt độ thấp, trung bình từ 20-25 độ C, ngày nắng đêm có sương mù, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn. Những đặc điểm này làm cho gạo Séng Cù đặc biệt thơm ngon khi trồng ở đây.
Năm 2016, gạo Séng Cù trồng tại huyện Bát Xát được Ban chấp hành Hội Nông dân Việt Nam cấp giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2016. Năm 2017, gạo Séng Cù tỉnh Lào Cai được chứng nhận thương hiệu vàng nông nghiệp.
Gạo Séng Cù có được chất lượng như vậy cũng là nhờ vào kinh nghiệm trồng trọt của người dân địa phương. Người dân biết nắm bắt khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng gạo. Họ chủ động trong quá trình chăm bón; phòng trừ sâu bệnh; hạn chế sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật giúp cho gạo ở đây có mức độ “sạch” cao. Đồng thời việc lựa chọn thời điểm thu hoạch khi số hạt trên bống chín đạt 80% giúp cho gạo Séng Cù đạt được độ thơm, cơm nhanh chín, mềm dẻo.
- Ngày 22/01/2018, Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 264/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00061 cho sản phẩm gạo “Mường Lò” nổi tiếng. Ủy ban nhân dân thị xã Nghĩa Lộ là Tổ chức quản lý bảo hộ chỉ dẫn địa lý này.
- Ngày 25/12/2020, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 4909/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00098 cho sản phẩm gạo Séng Cù “Mường Khương – Bát Xát”. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lào Cai là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
3.2. Cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật của người dân Tây Bắc trong chế biến gạo Séng Cù.
Khi chúng tôi thực hiện các dự án lắp đặt máy tách màu tại các tỉnh Tây Bắc, đa số các hộ kinh doanh xay xát gạo, các đại lý thường trang bị các dàn xát rất nhỏ gọn khoảng 1 tấn – 2 tấn /h (như hình bên dưới).
Ngoài ra một số cơ sở sử dụng máy xay xát gạo liên hoàn được du nhập vào nước ta những năm gần đây. Ưu điểm là lắp đặt rất dễ dàng, nhỏ dọn, dễ di chuyển. Khi mua chúng ta sẽ thấy gạo đẹp, ít gãy vỡ. Giá thành của bộ máy này khá cao so với các dàn xát như phía trên.
Do những yêu cầu về thị trường ngày càng khắt khe; thúc đẩy nông dân nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Ngoài những tiến bộ trong nâng cấp giống, gieo cấy; thì máy tách màu gạo cũng được sử dụng rất rộng rãi để phân tách, loại bỏ đi các hạt xấu, chất lượng kém. Những chiếc máy tách màu (máy bắn màu) ở đây thường là do nông dân họ tự mua sắm; hoặc là được hỗ trợ 1 phần từ nguồn tài trợ các chương trình nông thôn mới; phát triển nông nghiệp bền vững gắn với chuỗi giá trị; và các chương trình mục tiêu quốc gia….
Cho dù nâng cao trình độ canh tác; gặt lúa chín trên 80% nhưng gạo thành phẩm cũng không tránh được việc chất lượng không đồng đều. Thường gạo có lẫn các hạt non, đen, nâu, sâu chấm kim, bạc bụng, vàng mơ, vàng mờ. Những hạt này sẽ được máy tách màu loại đi trong quá trình chế biến.
(Video phân loại gạo, loại bỏ các hạt phẩm chất kém)
Trên đây là những kiến thức cung cấp khái quát về 2 quy trình chế biến gạo; và những công nghệ mới đây được áp dụng chế biến gạo chúng ta ăn hàng ngày. Gạo chúng ta ăn ngày nay đã có giá trị cao hơn rất nhiều nhờ những người nông dân có trình độ canh tác cao.
—Bài viết có tham khảo chỉ dẫn địa lý của Bộ khoa học và công nghệ- Cục sở hửu Trí tuệ website: http://www.noip.gov.vn/—
—Hình ảnh thu thập khi thực hiện dự án của Máy tách màu Wesort, và nguồn internet.—