Thị hiếu uống cà phê hòa tan tại châu Á đã hâm nóng cuộc cạnh tranh giữa các nước trồng cà phê robusta. Động thái mới nhất là Brazil tăng sản lượng để cạnh tranh với Việt Nam, quốc gia trồng cà phê robusta lớn nhất thế giới.
Hàng loạt quốc gia tăng sản lượng cà phê robusta
Theo Nikkei Asia Review, sản lượng cà phê robusta của Việt Nam (nguyên liệu chính trong cà phê hòa tan) được dự đoán có mức tăng trưởng 0,3% lên 29,1 triệu bao trong niên vụ 2019 – 2020, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ. Mỗi bao có trọng lượng 60 kg.
Con số này tăng 10% so với 5 năm trước.
Sản lượng cà phê tại Ấn Độ cũng được dự đoán tăng 8,1% lên 4 triệu bao, tăng gần 5% so với 5 năm trước. Brazil, quốc gia xuất khẩu cà phê robusta lớn thứ hai thế giới, cũng dự báo sản lượng cà phê này cũng tăng khoảng 10% lên 18,3 triệu bao.
Như vậy, Việt Nam và Brazil chiếm lần lượt 40% và 25% lượng robusta trên toàn thế giới.
Trong khi đó, các thương gia nhận định giá cà phê robusta Brazil rẻ nhất thế giới.
Ông Nobuaki Abe, Chủ tịch công ty giao dịch hàng hóa Ecom Asia có trụ sở tại Singapore, cho biết gần đây công ty ông nhận được nhiều yêu cầu từ khách hàng về việc gửi mẫu cà phê robusta từ Brazil.
Đây cũng là quốc gia sản xuất cà phê arabica lớn nhất thế giới, chiếm 40% thị phần toàn cầu.
Lượng cà phê robusta xuất khẩu của Brazil tăng trong thời gian qua. Theo Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil, quốc gia này xuất khẩu 2,7 triệu bao cà phê trong giai đoạn 8 tháng đầu năm nay, tương đương tăng gần 10% so với cả năm 2018.
Điều này nhờ nhu cầu thế giới tăng kèm với tỉ giá đồng real so với USD chạm đáy 1 năm.
Một trong những lí do Brazil tăng sản lượng cà phê robusta là do lượng tiêu thụ trong nước tăng. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo lượng tiêu thu cà phê nội địa của Brazil trong niên vụ 2019 – 2020 tăng 15% so với với 5 năm trước nhờ dân số và thu nhập đều tăng.
Robusta sẽ thế chân arabica trong tương lai?
Mặc dù gặp khó khăn trong việc trồng cà phê arabica, sản lượng của Trung Quốc dự báo tăng 4,5% lên 2,3 triệu bao trong niên vụ 2019 – 2020.
Nếu so sánh với 5 năm trước, con số này cao hơn 8%. Trên thực tế, cà phê arabica chất lượng cao đang được trồng tại tỉnh Vân Nam.
Việt Nam cũng canh tác cà phê arabica tại Đà Lạt, sản lượng niên vụ 2019 – 2020 dự kiến không đổi ở mức 1,4 triệu bao. Tuy nhiên, con số này cao hơn tới 33% so với 5 năm trước.
Cà phê arabica tại Trung Quốc và Việt Nam được xuất khẩu sang các nước phát triển trong đó có Nhật và tiêu thụ một phần ở trong nước. Tại hai quốc gia này, lượng cà phê tiêu thụ nội địa tăng khoảng 15 – 30%/năm trong vòng 5 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, khí hậu thay đổi, đến năm 2050, sản lượng cà phê arabica giảm khoảng một nửa so với hiện tại.
Với xu hướng này, robusta có thể trở thành loại cà phê chiếm phần lớn trên thị trường thế giới trong tương lai.
“Trong vòng 36 năm qua, thị phần cà phê robusta tăng từ mức 20% lên 40% trong khi arabica giảm từ 80% xuống còn 60%”, ông Shiro Ozawa, chuyên gia tư phấn tại công ty Wataru and Co.