Gạo đặc sản thơm ngon hiếm có của Việt Nam không thể bỏ qua.
Thời gian Thứ 2 - Thứ 6: 8h - 17h30
Thứ 7: 8h - 12h
Địa chỉ Số nhà 46, Đường số 5, KDC Vạn Phúc, Phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức, TP.HCM

Gạo đặc sản thơm ngon hiếm có của Việt Nam không thể bỏ qua.

Lúa gạo Việt Nam từ lâu đã nổi tiếng trên thị trường thế giới. Thậm chí gạo Việt Nam đã được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới. Ngoài những loại gạo xuất khẩu nổi tiếng ra, bạn đã từng thưởng thức qua những loại gạo đặc sản nào? Dưới đây là một số loại gạo hiếm có mà chỉ những vùng đất có khí hậu thổ nhưỡng đặc biệt mới có thể trồng ra được.

1. GẠO SÉNG CÙ – ĐẶC SẢN TÂY BẮC

lúa Séng Cù đặc sản Tây Bắc
Lúa gạo séng cù tây bắc

– Séng Cù nổi tiếng là Séng Cù Mường Lò Yên Bái, Mường Khương-Bát Xát (2 địa điểm đã được chỉ dẫn địa lý cho gạo Séng Cù); Séng Cù Điện Biên, và gạo Séng Cù Lai Châu cũng rất thơm ngon.

Đặc điểm gạo đặc sản Séng Cù:

Thon dài, hạt chắc, đều, ít bị gãy vỡ. Mùi thơm vị ngọt đậm và bùi, độ dẻo cao nhưng không dính, ăn không ngấy; đặc biệt giá trị dinh dưỡng rất cao.

Hàm lượng dinh dưỡng:

Dưới đây là hàm lượng của gạo Séng Cù tại Mường Khương; các chỉ số này cao hơn gạo ở Điện Biên một chút.

    • Protein : 7,14 % đến 8,27 %
    • Vitamin B1: 0,041 mg/100g đến 0,059 mg/100g
    • Hàm lượng Amyloza: 10,99 % đến 14,13 %

Hình thành và phát triển:

– Gạo Séng Cù được trồng ở Lào Cai từ năm 1998; thuộc nhóm lúa thuần thơm của Trung Quốc, có tên gọi là Sừ Ly Séng. Đến nay giống lúa này đã trở thành đặc sản của tỉnh Lào Cai và cả Tây Bắc. Điều kiện đất đai và khí hậu đặc trưng ở đây rất phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của giống lúa này. Ở đây có độ cao 500-1400 m, nhiệt độ thấp, trung bình từ 20-25 độ C; ngày nắng đêm có sương mù, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn. Những đặc điểm này làm cho gạo Séng Cù đặc biệt thơm ngon khi trồng ở đây.

– Năm 2016, gạo Séng Cù trồng tại huyện Bát Xát được Ban chấp hành Hội Nông dân Việt Nam cấp giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2016. Năm 2017, gạo đặc sản Séng Cù tỉnh Lào Cai được chứng nhận thương hiệu vàng nông nghiệp

  • Ngày 22/01/2018, Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 264/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00061 cho sản phẩm gạo “Mường Lò” nổi tiếng. Ủy ban nhân dân thị xã Nghĩa Lộ là Tổ chức quản lý bảo hộ chỉ dẫn địa lý này.
  • Ngày 25/12/2020, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 4909/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00098 cho sản phẩm gạo Séng Cù “Mường Khương – Bát Xát”. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lào Cai là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Gạo đặc sản Séng cù qua máy tách màu
Hình ảnh gạo Séng Cù loại bỏ hạt sâu vàng bằng công nghệ phân loại quang học.

– Các bạn sẽ ngạc nhiên khi gạo Séng Cù ngày nay bán trên thị trường rất khác về chất lượng; hạt đồng đều hơn về màu sắc và không có các hạt bị sâu, vàng, hạt đen, sọc bụng. Gạo Séng Cù có được chất lượng như vậy cũng là nhờ vào kinh nghiệm trồng trọt của người dân địa phương. Người dân biết nắm bắt khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng gạo. (Tìm hiểu gạo ăn ngày nay được chế biến theo quy trình như thế nào)

– Với các thông tin gạo Séng Cù bị làm giả, bán tràn lan thì việc mua gạo séng cùa ở đâu là khá khó khăn. Người dùng cần thận trọng trong việc lựa chọn nhà cung cấp. Hiện tại giá bán cho 1 kg gạo Séng Cù dao động từ 35-40k/kg

2. GẠO TÁM XOAN – ĐẶC SẢN HẢI HẬU, NAM ĐỊNH.

31/05/2007 hạt gạo tám xoan Hải Hậu chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cấp giấy chứng nhận thương hiệu chỉ dẫn địa lý số 00011: “Gạo tám xoan Hải Hậu”, thương hiệu cao nhất về hàng nông sản, niềm vui như vỡ òa đã đến với người dân Hải Hậu.

Giống lúa Tám Xoan
Giống lúa Tám Xoan
Lúa Tám thơm cổ ngỗng
Lúa tám thơm cổ ngỗng

Ăn cơm tám xoan không thể giống như Trư Bát Giới nuốt vội quả nhân sâm ngàn năm được; mà phải nhẩn nha nhai để cảm nhận từng hạt; từng hạt giòn giòn, dai dai, một mùi thơm rất khẽ động chạm vào khứu giác; và trên hết là vị ngọt đậm đọng lại nơi đầu lưỡi.

Đặc điểm:

Hạt gạo hơi dài TB khoảng 7.81mm, thon nhỏ, vẹo 1 đầu; màu trong xanh; thơm dịu tự nhiên và đặc trưng. Gạo khi thổi cơm rất nhanh chín. Cơm gạo tám có màu trắng xanh, mùi thơm ngào ngạt, dẻo; ăn dễ tiêu và đặc biệt là hàm lượng giá trị dinh dưỡng rất cao. Thu hoạch vào tháng 11 dương lịch.

Hàm lượng dinh dưỡng trong đặc sản gạo Tám Xoan.

    • Protein: 9.79%
    • Tinh bột: 88.43%
    • Amylose: 20.34%

Phục tráng đặc sản gạo Tám Xoan.

– Từ thời phong kiến, gạo Tám xoan Hải Hậu đã được dùng để cung tiến triều đình, nổi tiếng là gạo tiến vua. Có lẽ , do đặc điểm thổ nhưỡng của vùng miền; những cánh đồng lúa mênh mông được hai bờ sông Ninh Cơ bồi đắp quanh năm đã sản sinh ra loại gạo đặc sản với mùi vị không lẫn được vào đâu; và không nơi nào có thể trồng được giống gạo này.

– Đây là giống lúa cổ truyền, được chọn lọc từ người dân và đã được phục tráng theo quy trình kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Hiện tại lúa Tám xoan chỉ còn được trồng trên địa bàn xã Hải Đường, huyện Hải Hậu với diện tích 50ha, năng suất trung bình khoảng 2 tấn/ha tổng sản lượng 200 tấn/ năm.

– Từ tháng 10/2004 để giữ gìn và phát triển thương hiệu gạo tám xoan Hải hậu đã thành lập “Hiệp hội Gạo tám xoan Hải Hậu”, với mục đích bảo vệ quyền lợi cho người nông dân và đảm bảo chất lượng cho hạt gạo làm nên đặc sản nơi đây.

– Gạo tám xoan nổi tiếng là thế nhưng năng suất rất thấp . Một loại gạo nữa cũng đặc trưng không kém của Nam Định là gạo Tám thơm hay được gọi là Tám thơm cổ ngỗng, loại này khi được trồng thì không kén đất.

– Tham khảo địa chỉ mua  gạo : Hiệp hội gạo tám xoan Hải Hậu, tỉnh Nam Định

3. GẠO TÁM ĐIỆN BIÊN.

Ngày 25 tháng 9 năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 3340 /QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00043 cho sản phẩm gạo Điện Biên nổi tiếng. Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Phân loại gạo đặc sản Điện Biên có 2 loại: 

  • Gạo IR64: Hạt gạo có màu trắng đục, sáng bóng, khi nấu cơm có mùi thơm nhẹ, vị đậm, mềm và dẻo với hàm lượng amylose 15.4-18.2%
  • Gạo Bắc Thơm số 7: Hạt gạo nhỏ đều, bóng, màu trắng trong, có ánh xanh, tỷ lệ hạt vỡ đầu 20-30%. Khi nấu cơm có mùi thơm đậm, đặc trưng, vị đậm và dẻo với hàm lượng amylose từ 12,28 – 14.54%.
Gạo Tám Điện Biên
Gạo Tâm Sáng

– Ở Điện Biên có một loại gạo hay được nhắc đến đó chính là gạo Tám Điện Biên. Loại gạo này có nguồn gốc từ giống lúa bắc thơm số 7. Đây là giống lúa thuần được nhập nội vào Việt Nam từ năm 1992; được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống chính thức tại Quyết định số 1224-QĐ/BNN-KHCN.

– Có nhiều loại gạo tám thơm như gạo tám Hải Hậu (Nam Định), gạo tám Kim Sơn (Ninh Bình). Vậy gạo tám trồng tại Điện Biên khác gì với các loại gạo trên?

Đặc điểm gạo đặc sản Tám Thơm Điện Biên:

– Điện Biên là vùng đất cung cấp nhiều giống gạo đặc sản vô cùng thơm ngon. Lúa được gieo trồng trên cánh đồng Mường Thanh màu mỡ, được phù sa bồi đắp từ sông Nậm Rốn và Nậm Núa. Nhiệt độ trung bình từ 22.4-23.16 độ C,  mùa đông ít khi có sương muối và băng giá. Biên độ nhiệt ngày và đêm trung bình cao (10,53 độ C). Giống lúa bắc thơm được gieo trồng tại đây cho hạt gạo khác hẳn với vùng khác nên nó được gọi là đặc sản gạo Tám Điện Biên.

– Mỗi vốc gạo trên tay cảm nhận được hạt gạo mát dịu. Cơm gạo tám thơm Điện Biên dẻo như cơm nếp với mùi thơm hấp dẫn. Khi nhai, cơm có vị ngọt đậm và nhiều nhựa. Với vị dẻo thơm đặc trưng, loại gạo này thường được người dân dùng làm cơm lam, khẩu cắm. Khẩu cắm được đồ lên như đồ xôi với lá cẩm, cho màu xôi đẹp, vị xôi ngậy, dẻo thơm và ngon miệng. Ngoài ra, còn có các món ăn đặc sắc khác từ loại gạo này như khẩu háng (phơi khô thóc, xát vỏ rồi đồ chín), khẩu papa (giống với bánh nếp dưới xuôi).

Hàm lượng dinh dưỡng gạo Bắc Thơm số 7:

    • Hàm lượng protein: 7,32 – 9,11 %;
    • Hàm lượng amylose: 12,28 — 14,54 %;
    • Hàm lượng tinh bột: 76,66 — 83,68 %.

–  Giá gạo Tám Điện Biên khá mềm, chỉ dao động trong khoảng 25.000 – 30.000 đồng/kg tùy từng thời kỳ.

4. GẠO NẾP CÁI HOA VÀNG – BẮC NINH.

Lúa nếp cái hoa vàng

Đặc điểm:

Hạt thóc lúc vào mẩy thì tròn, có râu ở cuối hạt, lúc hạt thóc già xung quanh vỏ hạt thóc có ít lông. Hạt gạo xay xát ra có màu vàng trắng đục và bầu tròn, ngắn. Ngày mùa, đi trên cánh đồng cấy giống lúa này thấy hương vị thơm nức, ngọt ngào.

Hàm lượng dinh dưỡng:

    • Protein: Chiếm 71.6 %
    • Canxi 32 mg (3%)
    • Sắt 0.80 mg (6%)
    • Magiê 28 mg (7%)

Hình thành và phát triển:

– Nếp cái hoa vàng hay còn gọi là nếp ả. Những vùng trồng nhiều nếp ả có thể kể đến như Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa,… Tuy nhiên do giống lúa này trồng tản mạn và không chú trọng thâm canh; vì vậy mà ngày nay nhiều nơi bị mai một nên gạo không còn dẻo và thơm ngon như trước. Vì thế chỉ có một số nơi trồng quy hoạch mới đảm bảo chất lượng gạo thơm ngon như Kinh Môn – Hải Dương, Yên Phong – Bắc Ninh,…

– Quả đúng như vậy, nếp cái hoa vàng Yên Phụ được biết đến như là một đặc sản nơi đây. Có lẽ chính những hạt phù sa màu mỡ và dòng nước mát lành của con sông quê đã tạo nên hương vị đặc trưng cho hạt gạo vùng quê đậm đà chất quan họ này.

– Được biết, hạt giống lúa tại đây do Viện Nghiên cứu cây trồng Trung ương nghiên cứu và phục tráng lại mỗi năm; do vậy mà hạt giống được nâng cấp và chất lượng gạo năm sau đều cao hơn năm trước. Nằm trong danh mục lúa truyền thống đang được sử dụng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; gạo nếp cái hoa vàng được gieo trồng tại đây suốt 20 năm qua và trở thành đặc sản không chỉ của vùng Kinh Bắc mà còn trong cả nước trong nhiều năm qua.

– Gạo nếp cái hoa vàng Yên Phụ hiện là một trong 27 sản phẩm nằm trong chương trình mỗi xã phương thị trấn một sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2030. Sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

5. GẠO ST24/ST25 – ĐẶC SẢN SÓC TRĂNG.

Gạo ngon nhất thế giới 2019.

gạo ngon nhất thế giới qua các năm - the rice Trader

– Gạo ST24 hay còn gọi là gạo lài bún, là loại gạo đặc sản được trồng tại tỉnh Sóc Trăng do kỹ sư Hồ Quang Cua lai tạo. Vào năm 2017, trong cuộc thi World’s Best Rice gạo ST24 dành được giải nhì nằm trong top 3 các loại gạo ngon nhất thế giới. Điểm đặc trưng của giống gạo ST24 là việc thích ứng tốt với điều kiện thời tiết biến đổi có thể gieo trồng ở đất nhiễm phèn, nhiễm mặn phù hợp với điều kiện đất nhiễm phèn, mặn ở các vùng miền Đông Nam bộ, cho năng suất ổn định.

– Về gạo ST25, năm 2019, trong cuộc thi World’s Best Rice đã được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới.

– Theo kỹ sư Hồ Quang Cua thì gạo ST24 và ST25 tương đương về chất lượng, chỉ có sự khác biệt nhỏ đó là: Nếu thích ăn mềm thì chọn gạo ST24, còn nếu thích ăn giòn, dẻo thì chọn gạo ST25.

Đặc điểm gạo đặc sản ST24:

Gạo ST24 có đặc điểm dài dẹt khoảng 9mm, có màu trắng trong, mang mùi thơm lá dứa tự nhiên. Khi nấu cho cơm mềm dẻo, thơm mùi lá dứa. Điều đặc biệt ở gạo ST24 là càng để nguội ăn càng ngon, hạt gạo vẫn giữ được độ mềm dẻo mà không bị cứng, vì vậy gạo ST24 được sử dụng nhiều trong các nhà hàng quán ăn, khách sạn.

Giá trị dinh dưỡng:

Gạo ST24 có hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao như: Gluxit, Protein, Lipit và các loại khoáng chất. Ngoài ra điểm đặc biệt của gạo ST24 là hàm lượng Protein cao 10% ( cao hơn các loại gạo thường) giúp tạo cảm giác no trước khi đầy bụng, phù hợp cho những người mắc bệnh về tiểu đường.

6. NẾP TÚ LỆ – YÊN BÁI.

Hạt nếp trời cho.

– Người ta bảo với nhau rằng có một loại gạo đem đồ xôi vừa dẻo lại có vị béo ngậy và ngọt đậm vô cùng, hương thơm bay khắp bản. Con trai trong bản ăn giống nếp ấy trở thành những thanh niên khỏe mạnh dẻo dai, làm ruộng, làm nương không biết mệt, khi cất tiếng thổi khèn, tiếng khèn làm say lòng gái bản. Các cô gái Thái ăn giống nếp ấy thì có nước da trắng hồng mịn màng, mái tóc đen nhánh, miệng cười như hoa, quay sa dệt vải, hoa văn như có hồn làm đám trai bản ngẩn ngơ, thổn thức…Đó chính là Nếp Tú Lệ

– Truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa, đã lâu lắm rồi, tổ tiên của người Thái được Tiên ông ban cho một giống thóc quý. Người Thái đã mang giống lúa ấy đi gieo ở khắp vùng Tây Bắc, nhưng không nơi nào có được kết quả, nơi thóc không nảy mầm, nơi thì lúa còi cọc bông lép…

– Chỉ khi gieo cấy tại thung lũng Tú Lệ nằm ở chân đèo Khau Phạ, Khau Than, Khau Song; và được tưới tắm bởi con suối Mường Lùng thì hạt lúa mới nảy mầm tươi tốt, khi trổ bông tỏa ra hương thơm tinh khiết.

– Điều này lý giải cho tục lệ của người Thái cứ tới tháng 10 ,mùa lúa chín họ sẽ tổ chức lễ cúng cơm, cảm tạ tiên ông; lễ vật là những bông lúa to hạt mẩy làm cốm, thóc đồ.

Đặc điểm:

Nếp tú lệ được xếp vào một trong những loại gạo nếp ngon nhất nước ta. Hạt nếp màu trắng sữa, hơi bóng, hạt gạo thon tròn, hạt chắc, đều, ít vỡ, gãy. Nếp khi đồ thành xôi có mùi thơm, ngọt đậm. Xôi rất mềm dẻo, rời từng hạt chứ không dính như các loại nếp khác. Nếp Tú Lệ còn được gọi là nếp Tan Lả (tên do người Thái đặt); là loại nếp đặc sản chỉ có ở thung lũng Tú Lệ, huyện Văn Chấn, Yên Bái.

Cốm tú lệ đặc sản Yên Bái
Cốm Tú Lệ đặc sản Yên Bái làm từ nếp tan

Thành phần dinh dưỡng:

    • Protein: 6,94% đến 7,61%
    • Tinh bột: 72,95% đến 74,37%.
    • Amylose: 1,30% đến 2,71%,

Ý thức được giá trị đặc biệt của giống lúa nếp Tú Lệ, những năm qua huyện Văn Chấn đã triển khai các dự án về phục tráng giống lúa nếp Tan Tú Lệ. Ngày 13/10/2008, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể “Nếp Tú Lệ” cho sản phẩm gạo nếp của Hội Nông dân xã Tú Lệ. Sản phẩm gạo nếp Tan là một trong số nông sản đặc sản đã được đưa vào hệ thống siêu thị ở Hà Nội và một số tỉnh thành phố trong cả nước.

Ngày 29/12/2020 Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã ra Quyết định số 4926/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00100 cho sản phẩm gạo nếp “Tú Lệ”nổi tiếng.

7. Đệ nhất gạo NẾP KHẨU TAN ĐÓN- YÊN BÁI.

Tên khoa học Oryza sativa l.Glutinosa Tanaka

– Ai từng một lần thưởng thức cơm nếp Thẳm Dương (Văn Bàn) sẽ chẳng thể quên được vị dẻo thơm, đậm đà, để rồi sau có ăn nhiều thứ nếp khác, vẫn cứ mãi “tơ tưởng” đến Khẩu Tan Đón – loại nếp nức tiếng của vùng đất Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, được mệnh danh là “Đệ nhất nếp”

Đặc điểm:

Hạt thóc không có râu. Hạt gạo tròn bầu Chiều dài hạt (cm): 0,48 – 0,63 Chiều rộng hạt (cm): 0,30 – 0,41, hạt gạo màu trắng mùi rất thơm.Điều đặc biệt Sau khi nấu chín, hạt xôi dẻo dính, có vị ngọt ngậy, có lớp tinh dầu bám trên bề mặt lá dong hoặc lá chuối khi gói xôi. Loại nếp có tinh dầu rất hiếm gặp và thực sự tốt cho sức khỏe con người.

Hàm lượng dinh dưỡng:

    • Protein tổng số(%): 6.23 – 7.03
    • tinh bột: (%): 68.58 – 70.23
    • sắt ( mg/kg): 15.06 – 17.93
    • Vitamin B1 (mg/100g): 0.42 – 0.63
    • Amylose (%): 2.67 – 3.7

Hình thành và phát triển:

– Vùng lúa nếp Thẩm Dương được cung cấp nước tưới chủ yếu từ suối Nậm Con, nước có nhiệt độ thấp, chứa nhiều chất khoáng và vi lượng, nước không bị ô nhiễm hữu cơ. Khu vực địa lý có 04 loại đất: đất phù sa chua, đọng nước, điển hình; đất xám đọng nước, nhiều sỏi sạn, điển hình; đất xám đọng nước, nghèo bazơ, điển hình; đất dốc tụ, đọng nước, cơ giới nhẹ.

– Hiện nay Khẩu Tan Đón được trồng phân bố trên toàn xã nhưng tập trung ở chủ yếu 4 thôn: Bản Ngoang, Bản Bô, Bản Thẳm và Nậm Con với diện tích 100 ha, năng suất bình quân đạt 47 tạ/ha… Lúa chín thu hoạch vào tháng 10. Diện tích gieo cấy rất nhỏ nên sản phẩm ít được bán ra ngoài . Để mua được sản phẩm phải tìm vào thời điểm vừa gặt xong mới có, thậm chí phải đặt mua trước từ khi lúa vẫn còn xanh trên đồng.

Ngày 08 tháng 12 năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 4248/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00060 cho sản phẩm Gạo nếp Khẩu Tan Đón Thẩm Dương nổi tiếng.

8. GẠO TẺ GIÀ DUI – ĐẶC SẢN HÀ GIANG.

Ngày 28/09/2017, Cục Sở hữu trí tuệ ra cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00057 cho sản phẩm gạo tẻ Già Dui “Xín Mần” tỉnh Hà Giang…

Gạo tet già dui xín mần đặc sản Hà Giang
Gạo tẻ Già Dui

Đặc điểm:

Gạo hơi tròn dài trung bình, khoảng 5.59 đến 5.88mm. Hạt gạo trắng, vỏ cám có màu ánh nâu, mùi thơm nhẹ khá đặc trưng. Khi nấu lên hạt mềm dẻo, có vị ngọt đậm.

Hàm lượng chất dinh dưỡng:

    • Tinh bột: 66,36 – 72,93 (%)
    • Protein: 8,54 – 9,36 (%)
    • Vitamin B1: 0,104 – 0,115
    • Amylose: 13,64 – 14,51 (%)

Hình thành và phát triển:

– Gạo Già Dui là loại gạo đặc sản của vùng đất Hà Giang. Được cấy trồng ở vùng đất Hoàng Su Phì, Xín Mần. Gạo Già Dui có hạt ngắn trung bình, có chấm trắng dưới bụng gạo. Già Dui được trồng duy nhất 1 vụ trên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn mềm mại; có độ cao từ 1.100 – 1.200m so với mực nước biển. Lúa chín thu hoạch tháng 10,11 dương lịch.

– Gạo Già Dui được bà con gieo trồng theo quy trình hữu cơ, nên sinh trưởng và phát triển tốt. Năm 2020, toàn thôn Lùng Tráng có 235 ha lúa các loại; trong đó, diện tích lúa Già Dui khoảng 45 ha. Lúa Già Dui được bà con gieo trồng theo quy trình hữu cơ, nên sinh trưởng và phát triển tốt; năng suất ước đạt khoảng 55 tạ/ha và giá bán trung bình khoảng 13.000 đồng/kg thóc khô và dao động từ 22.000 – 25.000/kg

9. NẾP NƯƠNG ĐIỆN BIÊN.

Cùng với gạo Tám Điện Biên thì nếp nương là một trong những đặc sản Điện Biên mà ai tới cũng muốn thử một lần.

Đặc điểm:

– Hạt gạo Điện Biên đặc biệt bởi mẩy, dài, hạt trong đục. Còn các loại gạo nếp khác vốn hạt hơi tròn, mập. Khi nấu thành xôi có cảm giác như xôi không được kết dính. Không nhiều nhựa và hạt gạo không nở như các loại nếp thường. Cho dù có nguội cũng ăn không hề bị cứng. Nếp nương được dùng để làm cơm lam, làm khẩu háng. Cơm khẩu háng ăn với thịt gác bếp chấm chẳm chéo khiến người ăn nhớ mãi.

– Gạo nếp nương sinh trưởng trên những ruộng bậc thang ở lưng chừng núi với lối canh tác truyền thống của bà con dân tộc, hoàn toàn không dùng thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học.

Thông tin dinh dưỡng:

    • Tinh bột (80%)
    • Protein (7.5%)
    • Nước (12%)
    • Vitamin và khoáng chất (0.5%)

Cách nấu xôi nếp nương.

– Trước khi nấu ngâm gạo trong nước lã 5-6 tiếng. Chú ý không ngâm với nước ấm, vì gạo sẽ tiết ra nhựa khi nấu xôi sẽ bị dính, ăn không ngon. Sau đó vớt ra để ráo và cho vào chõ để hông.

– Khác nhưng loại gạo nếp khác, nếp nương Điện Biên phải trải qua 2 lần đồ thì xôi mới dẻo ngon

– Ở lần thứ nhất, khi xôi tỏa hương thơm, gạo vừa chín tới thì đem đổ ra; lấy đũa trải xôi ra cho đều, để nguội một lúc rồi mới cho vào chõ lại hông lần 2.

10. GẠO NẾP QUÝT ĐẠH TẺ – Đại sứ của Cao Nguyên.

Lúa nếp quýt Đạ tẻ
Nếp quýt Đạ Tẻh

– Đất Cao Nguyên Lâm Đồng cũng trồng được gạo đặc sản ngon hiếm có. Gạo nếp Quýt Đạ Tẻh  có ưu điểm nổi trội so với nhiều loại nếp khác như: vỏ mỏng, hạt bầu tròn, nẩy mập, trắng đục, hạt gạo không chỉ dẻo; sở hữu hương thơm mạnh mà còn mang trong mình vị ngọt đặc trưng. Hàm lượng protein cao đến 6,9%.

– NẾP quýt Đah Tẻ được vì như đại sứ của Cao Nguyên. Nguồn gốc Nếp Quýt lại từ miền rừng thẳm, núi đá Cao Bằng theo chân người Tày, Nùng di cư tự do vào Đạ Tẻh; được nông dân xã An Nhơn nhân trên diện rộng khoảng 20 năm nay .

– Lúa thích hợp cả 3 vụ trong năm. Sản lượng bình quân cả năm khoảng 3.600 tấn. Sản phẩm gạo Nếp Quýt được các thương lái thu mua tiêu thụ tại Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh…

—Nguồn: Tổng hợp—

—Ảnh: Internet—